Friday, August 1, 2014


Lợi ích của việc tiết kiệm
          Theo như mình tra cứu trên từ điển tiếng việt thì "Tiết kiệm" là động từ với ý nghĩa là: sử dụng đúng mức, không phí phạm sức lực, của cải, thời gian. Tiết kiệm đồng nghĩa với "kiệm ước" và trái nghĩa với "lãng phí, phung phí". Tiết kiệm ở đây là mình sẽ nói về lợi ích của việc tiết kiệm tiền, một vấn đề nhạy cảm đối với phần đông những bạn có tuổi đời dưới 30 tuổi (đã hay mới đi làm và thường chưa lập gia đình) và đặc biệt đối với các bạn trẻ còn đang còn ngồi trong ghế nhà trường dưới 22 tuổi (học sinh, sinh viên). Như vậy, việc tiết kiệm tiền theo mình hiểu là hành động sử dụng đúng mức cần thiết và phù hợp với nhu cầu của bản thân để việc sử dụng tiền không phí phạm một cách phung phí vô ích.
Vậy như thế nào là sử dụng tiền đúng mức để có tiền tiết kiệm?
          Ngoài những chi tiêu thiết yếu cho cuộc sống như: ăn uống, điện nước, điện thoại, quần áo, thuê nhà, học phí, xăng xe...bắt buộc mọi người phải có đủ một phần tiền để duy trì cho cuộc sống tối thiếu hàng ngày, hàng tháng của mình và theo tỷ phú Lý Gia Thành thì số tiền cho khoản này là 45% (30% thiết yếu hàng ngày, 15% đầu tư giáo dục) thu nhập 1 tháng của bạn. Nếu như lúc này bạn thực hiện chi tiêu đúng tỷ lệ 45% thì bạn sẽ có một khoản dư từ thu nhập của mình là 55%. Với 55% của thu nhập còn lại thì ông Lý Gia Thành tiếp tục sử dụng 20% để mở rộng và duy trì mối quan hệ với bạn bè, 25% dùng để đầu tư, tiết kiệm và phần còn lại là 10% giành cho du lịch. Như vậy khi thực hiện theo đúng nguyên tắc của tỷ phú Lý Gia Thành thì bạn sẽ có một phần tiền dư 25% là để tiết kiệm, đầu tư.
          Nhằm đảm báo thực hiện đúng tỷ lệ phần chia của ông Lý Gia Thành thì trước một khoản chi tiêu nào bạn cần đặt ra những câu hỏi nhằm sử dụng tiền đúng mức chưa như: sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ này mình đã có chưa? Những  sản phầm cũ có còn đáp ứng những yêu cầu cơ bản nữa không? Kế hoạch lập gia đình, mua đất, xây nhà của mình hay đi du học cần bao nhiêu tiền nữa thì được? Thu nhập hiện tại và trong tương lai của bạn có thể đáp ứng cho các khoản chi tiền lãi vay ngân hàng không? Việc mình được trợ giúp từ gia đình sẽ duy trì lâu dài nữa không? Công việc của mình trong tương lai sẽ tốt nữa không? Sức khỏe của mình có chiều hướng tốt hay không?... Mình nghĩ nếu như bạn trung thực trả lời những câu hỏi trên thì sẽ giúp bạn có quyết định đúng đắn cho việc chi tiêu.   
          Một nguyên tắc quan trọng và đầu tiên của việc quản lý tài chính cá nhân là tiết kiệm trước rồi mới chi tiêu sau. Việc này nhằm là tránh mọi người đôi khi hay bị những cảm xúc nhất thời đánh lạc hướng mà dẫn đến việc chi tiêu không cần thiết như: một chiếc điện thoại thông minh mới giảm giá 50%, hay một chiếc áo John Herry đang có chương trình khuyến mại giảm 45%...
Ghi chú: Tỷ lệ phân chia thu nhập theo tỷ phú Lý Gia Thành:
  • Thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày 30%
  • Giáo dục 15%
  • Mở rộng mối quan hệ 20%
  • Đầu tư tiết kiệm 25%
  • Du lịch 10%
Lúc này thì mọi người cùng liệt kê lợi ích tiết kiệm với mình nha:
          + Chi tiêu đúng mức chứng tỏ bạn là người thông minh trong tài chính cá nhân, và việc này sẽ tránh lãng phí điều đó chứng tỏ bạn là người biết quản lý.
          + Việc tiết kiệm giúp bạn có một khoản tiền dư để gửi tiết kiệm, lúc này bạn đã có 2 nguồn thu nhập: 1 từ lương (bạn làm việc để có tiền), 2 là tiền tiết kiệm cộng tiền lãi nhận được hàng tháng, năm (lúc này tiền làm việc cho bạn).
          + Khi tiết kiệm được nhiều tiền thì các mục tiêu hay kế hoạch tài chính cho tương lại của bạn ngày càng rút ngắn thời gian hơn.
          + Việc tiết kiệm sẽ giúp bạn có một một số vốn nhất định và khi cơ hội tới bạn sẽ dùng lấy đồng vốn của mình mà gia tăng thêm lợi nhuận lúc này sẽ dẫn đến bạn các nguồn thu nhập thứ 3, thứ 4...
          + Bạn sẽ được tự do tài chính hơn và sẽ không còn phải lệ thuộc khi quyết định một vấn đề nào đó với cha mẹ, anh ,em, người yêu, hay chính bạn đời của mình hơn.
          + Bạn sẽ không phải lo lắng mỗi khi công việc hiện tại không thuận lợi và lúc sức khỏe mình không tốt, con cái mình không có tiền học đại học khi mình đã tích lũy tiền từ lúc còn trẻ...
          + Khi có tiền tiết kiệm (khoản tiền dư thừa) bạn có thể giúp đỡ và đỡ đần cha mẹ, anh chị em trong gia đình và những người có hoàn cảnh khó khăn hơn (làm việc thiện, việc tốt).
          + Bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc và xét lại khi gặp khó khăn thiếu thốn về tiền bắc vì hồi kia đã phung phí nó.
Ngoài những lợi ích của việc tiết kiệm tiền thì cũng có mốt số bất lợi sau:
          + Bạn phải hy sinh một số sở thích của mình như: xe đẹp, điện thoại, quần áo đẹp.... việc này thật khó.
          + Mọi người sẽ nghĩ bạn là tên keo kiệt không được nể trọng, khi ở nước mình phần lớn là trọng vật chất thì lúc này bạn sẽ bị một số người đánh giá thấp vì mặc đồ, đi xe, dùng điện thoại và tiêu tiền một cách giản dị và đúng mức. Đối với các bạn trai thì khó có người yêu lắm à nha...! Những mất mát vô hình này thì không thể tính toán được.
          + Như Apple đánh giá thị trường Việt Nam là rất tiềm năng vì thói quen tiêu dùng sẵn sẵng bỏ ra số tiền gấp mấy lần thu nhập 1 tháng của mình để mua 1 chiếc điện thoại Iphone để thể hiện đẳng cấp nói chung là "sỹ diện". Do đó việc bạn tiêu tiền đúng múc thì sẽ dễ đánh mất "Sỹ diện" lắm... Nhưng thời gian sẽ luôn là người bạn ủng hộ cho việc tiết kiệm của bạn.
Những gương về tiết kiệm mà có thể bạn đã biết?
          Không xa lạ đâu khi mà bất cứ ai ở Việt Nam mình đều biết đến bác Hồ. Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm; tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiền bạc; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức. Theo Người:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời,
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người”.
          Nhà đầu tư chứng khoán huyền thoại Warren Buffet với tài sản 61.9 tỷ đô la (số liệu Bloomberg ngày 02/08/2014) vẫn đang sống trong ngôi nhà mua từ năm 1958 và luôn tự mình lái xe ôtô đi làm và giành phần lớn tài sản của mình cho tự thiện. Hay như ông vua đầu mỏ John Davison Rockefeller luôn ghi chép các khoản chi tiêu của mình vào sổ để kiểm soát các khoản chi, và trong quản lý điều hành công ty ông luôn đề sao việc tiết kiệm và cũng làm một tấm gương lớn về làm từ thiện. Sam Walton ông vua bán lẻ Mỹ người sáng lập ra WalMart không mang theo tiền mặt bên mình và khuyến khích nhân viên mang đồ dùng văn phòng phẩm ở nhà lên công ty làm việc. Carlos Slim Helu được biết đến với cái tên "ông trùm viễn thông Mexico". Nổi tiếng là một tỷ phú tiết kiệm (cũng không có tài xế riêng) song ông lại chi ra khoản tiền không nhỏ cho các dự án từ thiện liên quan đến việc phát triển phương pháp điều trị ung thư và bệnh thận. Như mới đầy thì Bầu Đức, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai với phát ngôn "20 năm nay tôi chưa đi du lịch". Ông Đức cũng từng nhấn mạnh: "Tôi không có nhu cầu hưởng thụ, không ham mê rượu chè. Tôi ăn uống giản dị. Ra vườn cao su, lỡ bữa, tôi ăn cơm với công nhân. Thăm đội bóng, tôi ăn cơm chung với cầu thủ ở nhà bếp. Hơn 20 năm nay, tôi chưa từng tổ chức một chuyến du lịch nào cho bản thân và gia đình"..
          Mình cũng băn khoăn là nếu như thu nhập không đủ đề duy trì cuộc sống thiết yếu hàng ngày như công nhân tại các khu công nghiệp...vấn đề xã hội, chắc phải cần nhận thẳng vào sự thật thì mới có được giải pháp đúng.

          Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ! thực ra một vấn đề đưa ra sẽ có nhiều quan điểm, mỗi cá nhân mỗi cá tính. Với mình thì tâm đắc câu " Anh khiêm tốn thì anh mới học được điều mới", mọi người góp ý dùng mình nhé!

0 comments:

Post a Comment